Kiên Giang: Khảo sát tình hình phục hồi sản xuất công nghiệp

Uncategorized

Từ nay đến cuối tháng 9, Sở Công thương Kiên Giang phối hợp với các ngành chức năng, đơn vị có liên quan thực hiện khảo sát tình hình phục hồi sản xuất công nghiệp tại một số doanh nghiệp trọng điểm trên địa bàn tỉnh.

Theo đó, Đoàn khảo sát các doanh nghiệp có quy mô vốn hoặc lao động thuộc loại hình doanh nghiệp nhỏ và vừa trở lên, với những ngành sản xuất sản phẩm công nghiệp chủ lực. Cụ thể như: Sản xuất xi măng, khai thác đá, sản xuất gạch, chế biến gạo, thủy sản đông, sản xuất đồ hộp, da giày, may mặc, chế biến gỗ, sản xuất rượu bia, sản xuất nước mắm… trên địa bàn 3 thành phố Rạch Giá, Hà Tiên, Phú Quốc và 5 huyện Kiên Lương, Hòn Đất, Châu Thành, Giồng Riềng, Gò Quao; khảo sát tại khu công nghiệp Thạnh Lộc, cụm công nghiệp Vĩnh Hòa Hưng Nam.

 

Giám đốc Sở Công thương Kiên Giang Nguyễn Văn Hoàng chia sẻ, Đoàn khảo sát rà soát, đánh giá hiện trạng sản xuất của các doanh nghiệp công nghiệp trọng điểm trên địa bàn tỉnh báo cáo UBND tỉnh, nhằm tháo gỡ kịp thời những khó khăn, vướng mắc để giúp các doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất kinh doanh và đảm bảo phòng, chống dịch bệnh COVID-19 theo quy định, góp phần chung vào tăng trưởng sản xuất công nghiệp của tỉnh.

Loạt dự án bất động sản tại Kiên Giang chờ nhà đầu tư mới - Nhịp sống kinh  tế Việt Nam & Thế giới

Nội dung khảo sát kết quả sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp trong 9 tháng đầu năm, ước thực hiện năm 2022 và những thuận lợi, khó khăn của doanh nghiệp từ đầu năm đến nay về nguyên liệu đầu vào, thị trường tiêu thụ trong và ngoài nước, lao động, vốn… Khảo sát việc doanh nghiệp tiếp cận các gói, chính sách hỗ trợ của Trung ương, của tỉnh, sự hỗ trợ của các sở, ngành liên quan và địa phương giúp doanh nghiệp phục hồi sản xuất kinh doanh trong thời gian qua. Đoàn khảo sát ghi nhận những khó khăn, vướng mắc, cản trở đến tiến trình phục hồi sản xuất kinh doanh cũng như những đề xuất, kiến nghị của doanh nghiệp để đề xuất, kiến nghị tỉnh có giải pháp tháo gỡ cụ thể cho doanh nghiệp.

 

Trong một diễn biến khác, Kiên Giang đã thành lập Tổ Chỉ đạo phục hồi sản xuất công nghiệp của tỉnh do Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Quốc Anh làm Tổ trưởng, với các thành viên là các sở, ngành chức năng, đơn vị có liên quan.

 

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang Lê Quốc Anh, Tổ Chỉ đạo này sẽ chỉ đạo, điều hành, triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp về phục hồi sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh; tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất phục hồi và phát triển sản xuất kinh doanh, góp phần thúc đẩy sản xuất công nghiệp, nhằm đạt mức cao nhất các chỉ tiêu phát triển kinh tế – xã hội năm 2022, tạo điều kiện nội lực thuận lợi, sức bật trong năm 2023 và những năm tiếp sau.

 

Tổ Chỉ đạo này nắm bắt tình hình, hướng dẫn các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất công nghiệp tổ chức phương án sản xuất và lưu thông hàng hóa phù hợp với tình hình mới. Tổ Chỉ đạo kịp thời chỉ đạo các đơn vị có liên quan tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, cơ sở sản xuất công nghiệp đảm bảo phục hồi và phát triển sản xuất kinh doanh. Đồng thời, báo cáo khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp, nhà đầu tư về thủ tục đầu tư, phát triển kết cấu hạ tầng đầu tư sản xuất kinh doanh trong khu công nghiệp, khu kinh tế cho UBND tỉnh để giải quyết.

 

Nhiệm vụ cụ thể của Tổ Chỉ đạo là hỗ trợ doanh nghiệp trong tuyển dụng, cung ứng lao động đối với lĩnh vực dệt may, da giày, thủy sản. Tổ chức thanh tra, kiểm tra các hoạt động vận tải, lưu thông hàng hóa phục vụ sản xuất, kinh doanh. Thực hiện kết nối ngân hàng – doanh nghiệp về chính sách vay vốn ưu đãi, hỗ trợ lãi suất, khoanh nợ, giãn nợ… cho doanh nghiệp, cơ sở sản xuất công nghiệp. Tổng hợp, báo cáo khó khăn, vướng mắc của các sở, ngành, địa phương và doanh nghiệp trong thực hiện nhiệm vụ về phục hồi sản xuất công nghiệp cho UBND tỉnh.

 

Mặt khác, Tổ Chỉ đạo tổ chức tháo gỡ khó khăn về nguồn nguyên liệu thủy sản phục vụ cho chế biến và trong cấp giấy chứng nhận nguồn gốc xuất xứ; kiểm tra tình hình thực hiện giải ngân các gói, chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp theo chương trình phục hồi và phát triển kinh tế của Trung ương. Tổ Chỉ đạo kiểm tra tình hình thực hiện chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà trọ cho người lao động; tổ chức hội thảo, triển lãm các giải pháp chuyển đổi số cho các khu công nghiệp trên địa bàn. Hỗ trợ doanh nghiệp, cơ sở sản xuất tham gia chương trình xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu, hội chợ triển lãm, hội nghị giao thương… trong và ngoài nước. Tổ Chỉ đạo hỗ trợ nhà đầu tư đẩy nhanh tiến độ triển khai đầu tư dự án trong khu công nghiệp, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh và thực hiện những nhiệm vụ khác có liên quan khác.

 

Được biết, từ đầu năm 2022 đến nay, tỉnh thành lập mới 1.236 doanh nghiệp, tổng vốn đăng ký 16.695 tỷ đồng, so với cùng kỳ năm 2021 tăng 33% về số lượng và giảm 10% về số vốn. Tuy nhiên, tỉnh có hơn 200 doanh nghiệp thực hiện thủ tục giải thể, tăng 27% và 567 doanh nghiệp đăng ký tạm ngưng hoạt động, tăng 28% so với cùng kỳ năm 2021. Lũy kế đến thời điểm này, toàn tỉnh có 11.700 doanh nghiệp đang hoạt động, với tổng vốn đăng ký hơn 191.438 tỷ đồng./.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *